Hiện tại, định giá P/B của ngành ngân hàng đang ở mức 1,5, được xem là vùng trung bình thấp so với lịch sử. Chỉ số này đã tiệm cận mức trung bình 3 năm gần nhất nhưng vẫn chưa đạt đến trung bình 5 năm. Trong giai đoạn đỉnh cao năm 2021, khi chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ COVID-19, P/B ngành ngân hàng đã tiệm cận mức 2,5. Điều này cho thấy ngành ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong bối cảnh hiện tại.
Nếu đặt ra giả thuyết về một pha suy giảm mạnh của ngành ngân hàng, điều đó chỉ có thể xảy ra khi xuất hiện những yếu tố tiêu cực thực sự ảnh hưởng đến nền tảng tăng trưởng, chẳng hạn như sự thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột, rủi ro nợ xấu gia tăng hoặc các biến động vĩ mô bất lợi. Tuy nhiên, dữ liệu trong bốn quý gần nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn rất ấn tượng, nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số. Quan sát diễn biến giá trên đồ thị, mặc dù giá cổ phiếu tăng nhưng định giá P/B chưa mở rộng tương ứng, nguyên nhân chính là do lợi nhuận của các ngân hàng đang tăng trưởng nhanh, bắt kịp với tốc độ tăng giá cổ phiếu. Điều này phản ánh một chu kỳ tăng trưởng bền vững, khi giá trị nội tại thực sự được cải thiện thay vì chỉ đơn thuần là sự mở rộng định giá do kỳ vọng của nhà đầu tư.
Về diễn biến Nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại sau Thông tư 02 (TT02), TT02 được ban hành vào năm 2023, đáng lẽ đã hết hiệu lực vào tháng 6/2024, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã quyết định gia hạn đến tháng 12/2024 nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều lo ngại từ nhà đầu tư về khả năng gia tăng nợ xấu khi TT 02 chính thức hết hiệu lực, đặc biệt là nguy cơ chất lượng tài sản của ngành ngân hàng suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi xem xét báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024 của toàn ngành ngân hàng, có thể thấy rằng những lo ngại này phần nào đã được phản ánh vào thị trường và không còn quá đáng ngại.
Sau sự kiện Vạn Thịnh Phát (SCB), tỷ lệ nợ xấu (NPL) của hệ thống ngân hàng đạt đỉnh vào quý 3/2024, tiệm cận mức 2,5%. Tuy nhiên, từ quý 4/2024, NPL đã có xu hướng giảm rõ rệt, hiện duy trì quanh mức 2% và dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2025. Điều này được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tín dụng, dòng vốn được bơm vào nền kinh tế và chất lượng tài sản của một số nhóm khách hàng vay được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 đã ghi nhận sự sụt giảm liên tục trong bốn quý liên tiếp, cho thấy áp lực nợ xấu đang dần được kiểm soát tốt hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) – một chỉ tiêu quan trọng đánh giá khả năng chống chịu rủi ro tín dụng của ngân hàng – hiện đang ở mức 90%, phản ánh sự thận trọng của các ngân hàng trong việc trích lập dự phòng. Với các yếu tố vĩ mô và nội tại của ngành ngân hàng đang dần chuyển biến tích cực, có cơ sở để kỳ vọng rằng nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2025, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng ngành ngân hàng.